Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022 18:19 (GMT+7)
Truyền thống yêu nước là di sản vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam, được hình thành, củng cố và phát huy qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, truyền thống đó lại trỗi dậy, tạo thành sức mạnh vô địch đập tan bè lũ cướp nước và bán nước, bảo vệ sự trường tồn của đất nước. Nếu truyền thống yêu nước không được khơi dậy và phát huy trở thành sức mạnh của dân tộc thì mất nước là điều khó tránh khỏi. Thực tế, thời Nguyễn là minh chứng nổi bật nhất cho bài học từ cuộc kháng Pháp xâm lược cuối thế kỷ 19.
Âm mưu xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp đã có từ lâu và mạnh mẽ từ giữa thế kỉ XIX. Tháng 9/1858, quân Pháp nổ súng ở Đà Nẵng, chính thức mở màn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngay từ đầu, nhân dân ta đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm cho kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của Pháp bước đầu thất bại. Không thể chiếm được Đà Nẵng, Pháp đưa quân vào Gia Định. Sau khi chiếm được thành Gia Định, Pháp lần lượt đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kì. 5/6/1862, triều đình Huế kí với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất nhường cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Kì, bồi thường chiến phí. Sau khi chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Kì, Pháp lợi dụng sự bạc nhược của Triều đình Huế, chiếm gọn ba tỉnh miền Tây Nam Kì (1867) mà không tốn một viên đạn. Đi đến đâu chúng cũng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân ta.
Pháp nổ súng đánh Đà Nẵng (1/9/1858)
Pháp chiếm thành Gia Định (17/2/1859)
Triều đình Huế kí với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất (5/6/1862)
Từ sau năm 1867, thực dân Pháp từng bước mở rộng việc đánh chiếm toàn bộ Việt Nam. Năm 1873, Pháp đem quân đánh chiếm thành Hà Nội và một số tỉnh thành ở Bắc Kì lần thứ nhất, triều đình nhà Nguyễn kí Hiệp ước Giáp Tuất năm 1874. Năm 1882, Pháp lại đưa quân đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai, sau đó quyết định đánh thẳng vào Huế. Hai bản hiệp ước Hác Măng (1883) và hiệp ước Pa-tơ-nốt (1884) đánh dấu sự đầu hàng hoàn toàn của triều đình phong kiến Việt Nam và xác lập nền bảo hộ của Pháp trên toàn bộ đất nước ta. Quá trình xâm lược của thực dân Pháp về cơ bản được hoàn thành.
Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất (20/1/1873)
Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai (25/4/1882)
Lễ kí kết Hiệp ước Hác-măng tại Thuận An - Huế (25/8/1883)
Sau khi thực dân Pháp đã hoàn thành cơ bản cuộc xâm lược Việt Nam. Chúng bắt đầu thúc tiến việc thiết lập chế độ bảo hộ và bộ máy chính quyền thực dân lên lãnh thổ Bắc Kì và Trung Kì nhưng vấp phải sự kháng cự của nhân dân, Pháp buộc phải tăng thêm lực lượng quân sự, siết chặt bộ máy. Vào 1897, Chính phủ Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất (nổi bật là “chính sách cướp đoạt ruộng đất”), thi hành chính sách chèn ép, các loại thuế vô lý, bóc lột nhân dân ta, xây dựng các hầm mỏ, đồn điền,...để khai thác triệt để tiềm lực tài nguyên của Việt Nam phục vụ cho chính quốc. Nhân dân thuộc địa vô cùng khốn khổ, khó khăn và cũng chính những điều này tạo động lực cho cuộc vận động giải phóng dân tộc.
Nông dân làm việc trên đồng ruộng
Công nhân làm việc trong hầm mỏ
Ngay từ đầu cuộc xâm lược của thực dân Pháp, nhà vua và đa số quan lại triều đình đã ít nhiều có tư tưởng sợ Pháp, không hiểu tình hình địch mà chỉ thấy sức mạnh vượt trội về vũ khí của chúng, thiếu đường lối, thiếu quyết tâm. Thái độ yếu hèn của triều đình: cắt đất cầu hòa, đi ngược lại ý chí của nhân dân, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền dân tộc,... Trái ngược với triều đình, cuộc kháng chiến của nhân dân ta nổ ra kịp thời, ngay khi Pháp nổ súng xâm lược với lòng yêu nước và ý thức về một đất nước thống nhất của toàn dân. Ý chí quyết tâm cao, nhân dân tự động đứng lên cùng quân đội triều đình chống Pháp mà không chờ triều đình kêu gọi.
Từ cuối thế kỉ XIX, đất nước ta phải chịu cảnh bị thực dân Pháp xâm lược, phải trải qua biết bao khó khăn gian khổ nhưng trong lòng nhân dân vẫn luôn tồn tại lòng yêu nước mãnh liệt, tha thiết, sâu sắc và đó cũng là lý do làm cho thực dân Pháp bao lần vấp ngã trước những cuộc khởi nghĩa đầy lòng khao khát giành lại độc lập dân tộc.
Tinh thần yêu nước của nhân dân ta ngày càng sâu sắc qua các cuộc khởi nghĩa, tiêu biểu là: cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (1883-1892), Ba Đình (1886-1887), Hương Khê (1885-1896), Yên Thế (1884-1913),... Phong trào vũ trang chống Pháp cuối thế kỉ XIX đều có điểm chung là thất bại. Mục đích của các cuộc khởi nghĩa đều là chống Pháp, chống triều đình phong kiến với sự lãnh đạo của các văn thân, sĩ phu, quan lại yêu nước và được đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân (có cả đồng bào dân tộc thiểu số) hưởng ứng. Các cuộc khởi nghĩa diễn ra lẻ tẻ, mang tính địa phương, chưa phát triển thành cuộc kháng chiến toàn quốc với hình thức đấu tranh vũ trang, ít chú trọng đến công tác tuyên truyền, đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị,...và hệ tư tưởng phong kiến chi phối, mang tính “Cần Vương”. Đây là phong trào kháng chiến mạnh mẽ, thể hiện truyền thống yêu nước và khí phách anh hùng của dân tộc, tiêu biểu cho cuộc kháng chiến tự vệ của nhân dân ta cuối thế kỉ XIX, hứa hẹn một năng lực chiến đấu dồi dào trong cuộc đương đầu với thực dân Pháp, để lại nhiều tấm gương và bài học kinh nghiệm quý báu về cách lợi dụng địa hình, kỹ năng tác chiến ở đồng bằng hẹp, người đông, phương thức hoạt động, tác chiến, xây dựng căn cứ,...
Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883-1892)
Nghĩa quân Ba Đình bị bắt
Khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913)
Mặc dù nhân dân khắp từ Nam chí Bắc liên tục vùng lên chiến đấu và thực dân Pháp phải mất gần 4 thập kỷ (1858-1896) mới hoàn thành công cuộc đánh chiếm và bình định Việt Nam, nhưng do các phong trào đấu tranh chủ yếu tự phát, thiếu sự tổ chức và lãnh đạo thống nhất, nên chưa thúc đẩy, động viên và khai thác triệt để sức mạnh của dân tộc. Dù đã viết nên những trang sử hết sức oanh liệt, nhưng cuộc kháng Pháp cuối thế kỷ 19 dưới triều Nguyễn đã “chỉ có thể dấy lên rồi tắt, chính vì thiếu lực lượng lãnh đạo đủ năng lực”. Ngoài những nguyên nhân khách quan của thời đại, đây chính là nguyên nhân chủ quan, cơ bản, có vai trò quyết định nhất, thể hiện trách nhiệm của nhà Nguyễn trong việc để mất nước; đồng thời cũng là bài học sâu sắc về đường lối cứu nước nhằm quy tụ, cố kết nhân tâm, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc.
Từ cuộc kháng Pháp xâm lược cuối thế kỷ 19 thời Nguyễn, bài học khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước càng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần tiếp tục phát huy khí phách quật cường, truyền thống yêu nước anh dũng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đưa sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn hơn nữa, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
--------
Nguồn thông tin: Sách giáo khoa lịch sử 11
Nguồn hình ảnh: Pinterest
Nhóm tác giả: nhóm Deadlinequatroi
Mọi thông tin xin liên hệ qua email deadlinequa@gmail.com
留言